Khát vọng vươn lên làm giàu từ chính cây chè quê hương



Không sinh ra ở vùng chè, thời còn trẻ cũng chưa bao giờ ước mơ gì liên quan đến vùng chè nhưng có lẽ cây chè, khát vọng những công nhân làm chè đã chọn chị, truyền cho chị ngọn lửa đam mê, đắm say với từng cánh chè để đến nỗi chị đánh cược cả cuộc đời mình vào số phận của công ty chè với tâm nguyện vực dậy vùng chè và đem đến cho công nhân, nông dân trồng chè một cuộc sống, một tương lai mới - chị là Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Lai Châu.

Là một giám đốc thành công, Công ty lại làm ăn với các đối tác của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Hà Lan và khu vực Trung Đông nên phải năm tao bảy tuyết hò hẹn mãi chúng tôi mới gặp được chị. Vị thế về một vị giám đốc khiến tôi hình dung chị sẽ phải xuất hiện trong một chiếc xe cáu cạnh, hạng sang, vận trên mình những bộ đồ hàng hiệu quý phái, trước sau phải có dăm ba kẻ xum xoe, bợ đỡ…
Khi gặp chị, cái hình ảnh do mình hình dung ra khiến tôi buột miệng phì cười. Chị cũng đỗ xịch xe trước mặt nhưng là chiếc xe máy đã tầu tầu, chiếc mũ bảo hiểm trùm lên khuôn mặt đeo khẩu trang kín mít, bên hông xe là chiếc làn nhựa và dưới chân là đôi dép tàng tàng. Chị cũng không vận hàng hiệu, không có kẻ bợ đỡ nào, những người gặp chị cũng chỉ cười thân thiện và trìu mến. Chị cười xòa, tự nhận: “Tôi vẫn chỉ là công nhân cho nghiệp chè mà thôi”.
Chị Loan giới thiệu về dây chuyền sản xuất chè tại Công ty.
Chị Loan giới thiệu về dây chuyền sản xuất chè tại Công ty.
Sinh năm 1969 ở tỉnh Hà Tây cũ, 2 tuổi chị đã được cha mẹ đưa lên Lai Châu lập nghiệp trong Nông trường Quốc doanh Tam Đường. Tuổi thơ cơ cực, lấy củi, hái rau, chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ gắn bó với cây chè. Ngay cả khi thi vào Trường Trung cấp Công nghiệp Thực phẩm (Việt Trì, Phú Thọ) chị cũng không nghĩ mình sẽ học về chè. Thế nhưng như số phận định trước, chị lại được xếp vào chuyên ngành chế biến chè. Ra trường, trở thành công nhân kỹ thuật của Nông trường Quốc doanh Tam Đường rồi lần lượt kinh qua các vị trí kỹ thuật, quản lý khác nhau, đến năm 2010 chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Chè Tam Đường với nhiệm vụ quản lý (không có giám đốc).
“Ngày nhận quyết định, đáng lẽ phải vui lắm nhưng ít người biết lúc đó mình lo lắng lắm” - chị Loan mở lòng với ánh mắt nhìn sâu vào chén trà. Quả thật, những ai đã gắn bó với mảnh đất này, với nghề làm chè chắc hẳn biết ít nhiều về tình cảnh của đơn vị lúc ấy. “Một ngày sau khi nhận quyết định bổ nhiệm, mình nhận được ngay thông báo của tỉnh về việc phong tỏa tài khoản của Công ty. Nhìn lại “cơ ngơi” vừa được bàn giao với hệ thống máy móc cũ kỹ, công nhân nghỉ việc hàng loạt (còn 24 công nhân), bộ máy hành chính chỉ còn 6 người và gần như không hoạt động.
Vùng nguyên liệu bị thu hẹp, nông dân quay lưng với cây chè, các bạn hàng dần bỏ đi hết còn các khoản nợ phải thu, phải trả của Công ty lên đến hơn 22 tỷ đồng trong khi lương công nhân đã nợ đến tháng thứ 5 mà không có tiền trả” - chị Loan đắng cay kể về cái ngày nhậm chức ấy. Trong tình cảnh đó, đến người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ rằng Công ty sẽ phát triển mà phần đông cho rằng chị sẽ hoàn tất nốt thủ tục cho cái “cơ thể đang thoi thóp” kia một bản “khai tử” đường hoàng, đúng luật - phá sản. Nhưng người đặt dấu chấm hết cho một đơn vị có bề dầy truyền thống đó không phải chị và không phải thời điểm đó.
Vợ chồng chị vốn cùng làm công nhân của Công ty Chè Tam Đường (anh trực điện), có hôm cả hai vợ chồng quá nửa đêm mới về đến nhà mà đồng lương nhận được chả thấm vào đâu so với nhu cầu cuộc sống. Đảm bảo kinh tế gia đình, chị phải tăng gia vào giờ rảnh: nuôi lợn, trồng rau, trồng mía, thậm chí học và mở cửa hàng làm tóc. “Tiền thu được từ nuôi lợn, làm tóc, tăng gia có tháng cao gấp mấy lần tiền lương. Rồi khi chia tách, thành lập tỉnh, nhiều người lo xa đã khuyên tôi bỏ chè mà theo các chức danh hành chính nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa khi nào nghĩ mình sẽ quay lưng lại với cây chè mà trái lại ngày càng yêu nó.
Tôi nhớ hết mùi của chè trong từng công đoạn, tôi vui cùng người công nhân khi họ ra mẻ chè hoàn hảo hay người nông dân khi hái được những lứa chè tốt và tôi cũng rất vui khi có một lô chè xuất xưởng thành công. Tiếng máy chạy, tiếng công nhân, mùi nhựa chè… là những thứ khiến tôi say mê. Nhưng trên hết tôi cảm thấy mình đang gánh trên vai trách nhiệm phải chăm lo cho những công nhân vẫn luôn tin tưởng bám trụ với đơn vị” - chị Loan “rút ruột” kể.
Thời điểm chị lên làm quản lý Công ty, niềm say mê đó bị thử thách nghiêm trọng. Nhìn phía trước không có tương lai, bởi không có thị trường, không có sản phẩm, không có cả vùng nguyên liệu; nhìn lại phía sau thì cả một khoản nợ khổng lồ cùng lòng tin của công nhân, nông dân vào Công ty sa sút nghiêm trọng, còn thực tại thì Công ty đang đối mặt với tình thế tài khoản bị phong tỏa, công nhân bỏ đi gần hết, nông dân trồng chè bắt đầu phá chè trồng cây khác, đầu ra cho sản phẩm đang là câu hỏi mơ hồ.
Với tâm niệm Công ty như mạng sống của mình, cuộc sống của công nhân, của nông dân như cuộc sống của mình, chị quyết tâm vực lại Công ty dù cho tương lai chỉ toàn mầu xám xịt. Chị “cắm” sổ đỏ của gia đình vào ngân hàng, chạy vạy vay mượn khắp anh em họ hàng, bán tất tần tật những gì gia đình có thể bán… được gần 4 tỷ đồng để “đánh canh bạc” cuối cùng vừa thỏa đam mê với nghề vừa để vực dậy Công ty và đảm bảo đời sống công nhân.
Từ số tiền ít ỏi đó, việc đầu tiên chị làm là trả lương để đảm bảo thu nhập cho công nhân rồi xoay trở “mở khóa” tài khoản ngân hàng, trả nợ nông dân, đầu tư máy móc mới, trả nợ ngân hàng… Trong lúc bĩ cực ấy, có lúc chị bật khóc ngay trước mặt người ngoài. Những giọt nước mắt vừa tủi hờn, vừa cay đắng nhưng lại rất nhiệt huyết. Phải chăng chị khóc cho chị một phần mà thương cây chè, thương công nhân, nông dân mới là phần chính.
Câu chuyện về sự lèo lái Công ty từ bờ vực phá sản trở thành doanh nghiệp ăn nên làm ra, trở thành một sản phẩm nổi tiếng của tỉnh, trở thành một “ông lớn” trong ngành sản xuất, chế biến chè của cả nước mà chị kể có những lúc vượt quá tầm hiểu biết của một nhà báo như tôi. Nhưng trên hết tôi cảm nhận được trong chị có nguồn động lực gì đó to lớn, quyết liệt và khát khao cháy bỏng lắm. Từ việc xác định nhiệm vụ trước mắt, mục tiêu lâu dài, giá trị cốt lõi của Công ty, tầm nhìn dài hạn của từng vị trí… chị giải được những bài toán đã hại não biết bao thế hệ làm doanh nghiệp không phải chỉ riêng Công ty Chè mà của cả lớp doanh nghiệp, nông trường được sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp, đến khi bước vào nền kinh tế thị trường bị chới với lao đao.
Đến nay, sau bàn tay “nhà nặn” của chị, tài sản cố định của Công ty từ hơn 800 triệu đồng (năm 2010) đã lên hơn 80 tỷ đồng, các khoản nợ vợi bớt, công nhân quay lại nhà xưởng với hơn 200 người (khi cao điểm, thời vụ là hơn 300 người) và nông dân cung ứng nguyên liệu lên đến hơn 3000 hộ. Điều chị mừng nhất là lương, thu nhập của người lao động từ chỗ chỉ hơn 1 triệu đồng đến nay hơn 6 triệu đồng mỗi tháng và đặc biệt trước đây chỉ có 1 sản phẩm thô duy nhất thì nay Công ty của chị cho ra thị trường 10 sản phẩm, trong đó riêng dây chuyền sản xuất chè matcha theo công nghệ của Nhật Bản thì cả nước chỉ riêng Công ty của chị có. Sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu trong các nước cả Châu Á và Châu Âu, còn thị trường nội tiêu thì Công ty chị chiếm thị phần gần như tuyệt đối…
Hôm nay, nhìn lại những kỳ tích mà mình đã làm chị vẫn khiêm tốn cho rằng nó còn nhỏ nhoi lắm. Nhỏ cũng phải bởi chị còn muốn thu nhập của công nhân tăng lên gấp đôi, gấp ba trong năm tới, thu nhập của nông dân phải luôn ổn định và phát triển hơn nữa, mỗi mẻ chè xuất xưởng phải đạt những tiêu chí cao hơn và Công ty cũng phải lớn mạnh hơn nữa. Chị đang làm những điều đó và làm rất tốt, rất thành công.
Người vùng biển vẫn tự hào rằng máu của họ có vị mặn hơn người khác, bởi vậy họ mới có thể đạp sóng, đạp gió, vật lộn với biển khơi. Xét về mặt khoa học, điều này có thể vô lý nhưng xét về mặt hình tượng và văn hóa vùng miền nó đúng đến ngạc nhiên. Nhìn ở góc độ ấy, khi tôi nghe ai đó nhắc dòng máu của chị có vị chát của chè, tôi gần như tin tưởng tuyệt đối. Bởi nếu không có vị chát ấy, không có sự đam mê, nhiệt tình ây thì lấy đâu ra vị ngọt thanh cuống lưỡi của những thành công hôm nay. Những thành công ấy không chỉ đến ở các nhà xưởng, máy móc mới, vùng chè chất lượng, các sản phẩm chè đa dạng mà đến từ những bữa cơm sung túc của người công nhân, nông dân làm chè. Bát cơm sung túc ấy có lẽ sẽ rất khó thành hiện thực nếu không có người công nhân mang dòng “máu chát” ấy.
Khánh Kiên / baolaichau.vn


Share:

0 nh?n x�t:

Đăng nhận xét

Bài nổi bật

Độc đáo nét đẹp dân tộc Hà Nhì